Lịch sử Kinh_tế_Israel

Cuộc khảo sát Biển Chết lần đầu tiên năm 1911, thực hiện bởi kỹ sư người Nga gốc Do Thái Moshe Novomeysky, dẫn tới việc thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Palestine Potash năm 1930, sau đó được đổi tên là Dead Sea Works.[34] Năm 1923, Pinhas Rutenberg được cấp phép độc quyền sản xuất và phân phối điện. Ông thành lập Công ty Điện lực Palestine, tiền thân của Tập đoàn Điện lực Israel.[35] Giữa các năm 1920 và 1924, một vài trong số các nhà máy lớn nhất nước được thành lập, trong đó có công ty Shemen Oil, Societe des Grand Moulins, công ty Palestine Silicate và công ty muối Palestine.[36] Năm 1937, có 86 nhà máy kéo sợi và dệt trong nước, tuyển dụng 1.500 lao động. Vốn và kĩ thuật được cung cấp bởi các chuyên gia gốc Do Thái ở châu Âu. Nhà máy dệt may Ata ở Kryat Ata, sau này trở thành biểu tượng của ngành dệt may Israel, được thành lập năm 1934.[37] Ngành này phát triển nhanh trong Thế chiến thứ 2, khi nguồn hàng từ châu Âu sụt giảm do các nhà sản xuất phải phục vụ cho nhu cầu quân đội. Đến năm 1943, số lượng các nhà máy tăng lên đến 250, với số nhân công 5.630, và số sản phẩm tăng gấp mười lần trước đó.[38]Từ năm 1924, các hội chợ thương mại được tổ chức tại Tel Aviv.[39]

Sau khi độc lập

Sau khi dành độc lập, Israel phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Vừa phải phục hồi từ hậu quả của cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, vừa phải tiếp nhận hàng trăm ngàn người tị nạn Do Thái từ châu Âu và thế giới Ả Rập. Israel thiếu hụt tài chính nghiêm trọng và đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc, dẫn đến chính sách thắt lưng buộc bụng từ năm 1949 đến 1959. Tỷ lệ thất nghiệp cao, dự trữ ngoại tệ khan hiếm.[40]

Năm 1952, Israel và Tây Đức đã ký thỏa thuận quy định Tây Đức phải bồi thường cho Israel vì cuộc thảm sát người Do Thái cũng như bồi thường cho tài sản của người Do Thái bị đánh cắp bởi Đức quốc xã. Trong 14 năm sau đó, Tây Đức bồi thường cho Israel 3 tỷ đồng Mác. Khoảng bồi thường đã trở thành cứu cánh cho nền kinh tế Israel, chiếm đến 87,5% thu nhập của Israel năm 1956.[40] Năm 1950, chính phủ Israel phát hành trái phiếu Israel dành quyền mua cho người Do Thái ở Mỹ và Canada. Năm 1951, kết quả tổng kết chương trình trái phiếu được hơn 52 triệu đô-la Mỹ. Bên cạnh đó, nhiều người Mỹ gốc Do Thái tổ chức quyên góp cho Israel, riêng trong năm 1956, số tiền quyên góp lên tới 100 triệu đô-la Mỹ. Năm 1957, việc bán trái phiếu đóng góp đến 35% ngân sách phát triển đặc biệt của Israel.[41] Những năm về sau của thế kỷ 20, Israel phụ thuộc nhiều vào viện trợ kinh tế từ Mỹ,[42] nước trở thành liên minh quan trọng nhất của Israel trên trường chính trị thế giới.

Các nguồn tài chính kể trên được đầu tư vào các dự án công nghiệp và nông nghiệp, tạo điều kiện cho Israel thoát khỏi sự phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài. Trong số các dự án được đầu tư từ tiền viện trợ có nhà máy năng lượng Hadera, công ty Dead Sea Works, hệ thống Thủy lợi Quốc gia ở Haifa, Ashdod và Eilat, nhà máy khử mặn cho nước, cùng với các dự án hạ tầng quốc gia khác.

Sau khi dành độc lập, ưu tiên của chính phủ là thiết lập các ngành công nghiệp ở những khu vực dự kiến phát triển, trong đó có Lachish, Ashkelon, Negev và Galilee. Sự mở rộng của ngành dệt may Israel là kết quả của sự phát triển ngành trồng bông vải, một ngành nông nghiệp lợi nhuận cao. Những năm cuối thập niên 1960, ngành dệt may đứng thứ hai trong số các ngành công nghiệp chỉ sau thực phẩm. Ngành dệt may chiếm 12% tổng lượng xuất khẩu công nghiệp, đứng thứ hai trong sản lượng chỉ sau ngành chế tác kim cương.[38] Trong thập niên 1990, lao động giá rẻ ở Đông Nam Á đã khiến lợi nhuận ngành sụt giảm. Hầu hết công việc được thuê ngoài, thực hiện bởi các xưởng may Ả-rập – Israel. Khi các xưởng này bị đóng cửa, các doanh nghiệp Israel trong đó có Delta, Polgat, Argeman và Kitan thực hiện việc may mặc của họ ở Jordan và Ai Cập, thường là trong các khu công nghiệp thuộc thỏa thuận QIZ. Những năm đầu thập niên 2000, các công ty Israel có 30 nhà máy ở Jordan. Giá trị hàng xuất khẩu Israel đạt 370 triệu USD một năm, cung cấp hàng hóa cho các nhà bán lẻ và các nhà thiết kế như Marks & Spencer, The Gap, Victoria's Secret, Wal-Mart, Sears, Ralph Lauren, Calvin Klein và Donna Karan.[38]

Trong hai thập niên đầu từ khi giành được độc lập, bằng lòng quyết tâm Israel đã thúc đẩy tỷ lệ phát triển kinh tế lên hơn 10% mỗi năm. Mức sống bình quân tăng nhanh, từ năm 1950 đến 1963 bình quân chi tiêu của tầng lớp làm công ăn lương tăng 97%.[43] Những năm sau cuộc chiến Yom Kippur năm 1973 kinh tế đình trệ, lạm phát tăng cao, chi tiêu của chính phủ tăng đáng kể. Cũng đáng đề cập là cuộc khủng hoảng cổ phiếu ngân hàng năm 1983. Đến năm 1984, tình hình kinh tế trở nên bi đát với lạm phát lên tới gần 450% và được dự đoán lên tới 1000% trong năm sau đó. Tuy nhiên sự thành công của kế hoạch bình ổn kinh tế năm 1985 [44] và sự chuyển đổi sang kinh tế định hướng thị trường [45][46] vực dậy nền kinh tế và tạo đà cho sự tăng trưởng ngoạn mục trong thập niên 1990, Israel trở thành hình mẫu cho các nước khác khi phải đối mặt những cuộc khủng hoảng kinh tế tương tự.[47]

1 đồng shekell mới của Israel

Có hai cột mốc giúp chuyển đổi nền kinh tế Israel kể từ những năm đầu thập niên 1990. Thứ nhất là làn sóng người Do Thái hồi hương, chủ yếu là từ các nước thuộc Liên Bang Sô-viết, mang hơn 1 triệu công dân mới tới Israel. Những người nhập cư này, nhiều người trong số họ có học thức cao, ngày nay chiếm 16% trong dân số 7,5 triệu của Israel. Thứ hai là tiến trình hòa bình được bắt đầu ở hội nghị Madrid tháng 10 năm 1991, dẫn tới việc ký kết thỏa thuận và sau đó là hiệp ước hòa bình giữa Israel và Jordan (1994).

Tiến tới những năm đầu thập kỷ 2000. Nền kinh tế Israel tụt dốc vì sự đổ vỡ của bong bóng dot-com, nhiều công ty khởi nghiệp trong thời kỳ đỉnh cao của bong bóng dot-com đã phải phá sản. Cùng với phong trào nổi dậy lần thứ hai của người Palestine- Intifada, tiêu tốn của Israel hàng tỷ đô la cho chi phí an ninh, sự sụt giảm của đầu tư và du lịch,[48] đã khiến tỷ lệ thất nghiệp ở Israel lên tới hai con số.

Trong năm 2002 nền kinh tế Israel suy giảm trong 1 quý khoảng 4%. Sau đó kinh tế Israel đã có sự hồi phục đáng kể bằng cách mở các thị trường mới cho các nhà xuất khẩu Israel như là các nước mới nổi ở Đông Á cũng như là sự hồi phục của lĩnh vực công nghệ khi cuộc khủng hoảng dot-com chạm đáy và việc sử dụng internet toàn cầu tăng tạo ra nhu cầu phần mềm, song song đó là nhu cầu các sản phẩm an ninh quốc phòng kể từ sau vụ khủng bố 11 tháng 9. Tất cả các nhu cầu này Israel đều sẵn sàng đáp ứng vì có sự đầu tư sớm trong các lĩnh vực này, điều này giúp giảm dần tình trạng thất nghiệp trong nước.

Vài năm trở lại đây một làn sóng chưa từng có các khoảng đầu tư nước ngoài đổ vào Israel, các công ty trước đây xa lánh Israel nay thấy được tiềm năng đóng góp của Israel vào các chiến lược toàn cầu của họ. Năm 2006, tổng đầu tư nước ngoài vào Israel là 13 tỷ đô-la, theo số liệu của Hiệp hội Các Nhà sản xuất Israel.[49] Thời báo Tài chính (Financial Times) nhận xét "bom vẫn rơi, kinh tế Israel vẫn tăng trưởng".[50] Ngoài ra, trong khi tổng nợ nước ngoài của Israel là 95 tỷ USD, xấp xỉ 41,6% GDP, kể từ 2001 nước này đã trở thành một quốc gia cho vay ròng với thặng dư tính ở thời điểm tháng 6 năm 2012 là 60 tỷ USD.[51] Israel cũng duy trì thặng dư tài khoản vãng lai bằng khoảng 3% tổng sản phẩm nội địa.

Stanley Fischer, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel 2005–2013[52]

Kinh tế Israel đứng vững trước cuộc khủng hoảng toàn cầu cuối thập niên 2000, với tốc độ tăng trưởng dương trong năm 2009 và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn nhiều nước phương tây.[53] Có một vài lý do cho sự phục hồi này, ví dụ như, đã nói bên trên, Israel là nước cho vay ròng chứ không phải là nước đi vay và chính phủ và Ngân hàng Trung ương Israel nói chung là bảo thủ trong các chính sách kinh tế vĩ mô. Có thể đề cập đến 2 chính sách làm dẫn chứng, thứ nhất là sự từ chối của chính phủ trước áp lực của các ngân hàng khi họ đòi hỏi một lượng lớn tiền cứu trợ từ ngân sách công lúc cuộc khủng hoảng vừa mới bắt đầu, và do đó hạn chế được các hành vi mạo hiểm của họ. Chính sách thứ hai là việc áp dụng các đề nghị của ủy ban Bach’ar trong những năm đầu và giữa thập niên 2000 khi họ đề nghị tách bạch hoạt động đầu tư và lưu ký của các ngân hàng, trái ngược với xu hướng đang thịnh hành trong các quốc gia khác lúc đó, nhất là ở Mỹ, là nới lỏng các hạn chế - điều đã khuyến khích các hoạt động rủi ro cao trong hệ thống tài chính ở các nước này.[54]

Thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế - OECD

Tháng 5 năm 2007, Israel được mời tham dự các phiên thảo luận mở với OECD.[55] Tháng 5 năm 2010, các nước thành viên OECD đã biểu quyết nhất trí việc mời Israel tham gia, bất chấp phản đối từ phía Palestine.[56] Israel trở thành thành viên chính thức từ ngày 7 tháng 9 năm 2010.[31][57] OECD ca ngợi thành quả nghiên cứu khoa học và công nghệ và mô tả Israel có một "thành tích vượt trội so với mặt bằng chung của thế giới".[56]

Các thách thức

Mặc dù giàu có về mặt kinh tế, nền kinh tế Israel đang đương đầu với nhiều thách thức, có những thách thức ngắn hạn và thách thức dài hạn. Về ngắn hạn, sự thất bại trong việc lập lại thành công của ngành viễn thông trong các ngành kinh tế đang phát triển khác làm ngăn trở các triển vọng kinh tế. Sự thất bại trong việc gầy dựng các công ty đa quốc gia lớn trong thập kỷ vừa rồi cũng đặt ra câu hỏi về khả năng tuyển mộ một lượng lớn nhân sự trong các lĩnh vực kinh tế cao cấp.[58] Về dài hạn, Israel đang đương đầu với thách thức về tỷ lệ tham gia lao động thấp của nam giới thuộc nhóm Siêu Chính Thống Do Thái Giáo, điều này có thể dẫn đến tỷ lệ người dân có việc làm trong tổng dân số thấp và tỷ lệ dân số sống phụ thuộc cao trong tương lai.[59] Thống đốc Ngân hàng Trung ương Israel, Stanley Fischer, nói rằng việc nghèo đi của nhóm Siêu Chính Thống đang ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.[60] Theo một số liệu được công bố bởi Ian Fursman, 60% số hộ nghèo của Israel rơi vào nhóm Siêu Chính Thống và nhóm người Israel gốc Ả-rập. Hai nhóm trên chiếm 25-28% tổng dân số Israel.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Kinh_tế_Israel http://www.israeltrade.org.au/israel/economic-over... http://thenakedfacts.blogspot.ca/2012/09/israels-n... http://www.cbc.ca/news/reportsfromabroad/parry/200... http://www.algemeiner.com/2013/05/17/donald-trump-... http://www.armyrecognition.com/january_2013_army_m... http://go.bloomberg.com/tech-deals/2012-11-21-afte... http://www.bloomberg.com/news/2013-03-30/israel-be... http://www.bloomberg.com/news/2014-07-13/dubai-sto... http://www.businessweek.com/news/2012-08-02/israel... http://www.businessweek.com/stories/2008-03-26/at-...